Danh sách dược sĩ tư vấn Danh sách nhà thuốc

Tìm kiếm
Hỗ trợ 24/7
  • Dược sĩ tư vấn

    0984.464.844 - 0243.734.2904 - 1800.1044

    Email: botania.vn@gmail.com

Zalo: 0984.464.844

Thăm dò ý kiến

Bạn đang dùng sản phẩm nào của Botania?

9 triệu chứng ung thư tuyến tụy không thể không biết

Thứ ba, 18-02-2020 14:42 PM

Mục lục [Ẩn]

    Ung thư tuyến tụy là một trong những loại ung thư hình thành tại một số tế bào của tuyến tụy. Đây là một trong những căn bệnh ung thư có tiên lượng xấu, chỉ có khoảng 8,5% số người sống sót sau 5 năm kể từ khi được chẩn đoán. Chính vì vậy việc nắm được các triệu chứng ung thư tuyến tụy đóng vai trò rất quan trọng trong việc phát hiện và điều trị bệnh sớm. Hôm nay chúng ta cùng tìm hiểu về vấn đề này nhé.

 

ung thư tuyến tụy

 

Tổng quan về tuyến tụy

  • Vị trí của tuyến tụy

Tụy là một tạng dài và thon nằm ở vùng bụng trên, vắt ngang phía trước cột sống và phía sau phần dưới của dạ dày, gần các động mạch và tĩnh mạch chính.

Ung thư tuỵ 1

Vị trí và cấu tạo của tụy

 

  • Cấu tạo của tụy

Tụy có màu trắng hồng, dài 15cm, cao 6cm và dày 3cm, nặng khoảng 80g.

Tuyến tụy có ba phần - đầu, đuôi và thân tụy. Đầu tụy nằm sát đoạn tá tràng D2, đuôi tụy thì kéo dài đến sát nách. Ống tụy là một ống nằm dọc suốt chiều dài của tụy có chỗ nối vào tá tràng gọi là bóng Vater dẫn lưu dịch tụy đổ vào đoạn D2 của tá tràng. Ống mật chủ kết hợp với ống tụy gần bóng Vater còn cơ vòng Oddi là nơi đổ ra của ống tụy và ống túi mật.

Các enzyme tiêu hóa và hormone sản xuất trong tuyến tụy đi từ tuyến tụy đến tá tràng (phần đầu tiên của ruột non) thông qua một ống gọi là ống tụy. Phần của tuyến tụy sản xuất hormone được gọi là tuyến tụy nội tiết, và phần sản xuất enzyme tiêu hóa được gọi là tuyến tụy ngoại tiết.

  • Chức năng của tuyến tụy

Tụy tiết ra men tiêu hoá tham gia vào quá trình tiêu hoá thức ăn. Các men tiêu hoá được tiết ra từ tế bào tụy ngoại tiết đổ vào ống tụy dưới dạng chưa hoạt hoá. Dịch tụy từ ống tụy được đổ vào tá tràng, tại đây chúng được hoạt hoá để tiêu hoá thức ăn.

Ung thư tuyến tụy là gì?

    Ung thư tuyến tụy (tên tiếng Anh là Pancreatic cancer) là một dạng ung thư liên quan đến các mô ở tuyến tụy, một cơ quan nội tiết quan trọng nằm phía sau dạ dày, gần túi mật. Tuyến tụy có vai trò sản xuất các enzyme hỗ trợ tiêu hoá và các hormone (glucagon và insulin) điều hòa đường huyết. Ở dạng ung thư này, các tế bào xuất phát từ tuyến tuỵ sẽ phân chia và nhân lên không kiểm soát, lây lan sang các mô xung quanh, hình thành các khối u ác tính và gây tử vong cho người bệnh.

   Đây là căn bệnh ít gặp nhưng lại rất nguy hiểm vì khó phát hiện ở giai đoạn sớm, thường phát hiện muộn, dẫn đến tỉ lệ tử vong cao. Đa số các bệnh nhân ung thư sau khi điều trị bằng phẫu thuật chỉ sống được từ 2-3 năm, tỷ lệ tái phát ung thư cũng khá lớn. Còn đối với những bệnh nhân giai đoạn cuối, không thể can thiệp bằng phẫu thuật thì đa số không sống quá một năm.

Nguyên nhân gây bệnh ung thư tuyến tụy

Hiện nay các nhà khoa học vẫn chưa biết rõ chính xác nguyên nhân gây ung thư tuyến tụy. Nhưng có rất nhiều yếu tố nguy cơ liên quan mật thiết tới loại ung thư này đã được xác định:

  • Yếu tố di truyền và tiền sử gia đình:

   Các đột biến gen có thể dẫn tới sự phân chia mất kiểm soát của các tế bào tuyến tụy, gây nên ung thư. Các đột biến gen này có thể di truyền qua các thế hệ. Có khoảng 5-10% trường hợp bệnh nhân ung thư tuyến tụy sinh ra trong các gia đình có người thân mắc bệnh.

  • Yếu tố tuổi tác:

    Tuổi đời càng cao nguy cơ mắc bệnh càng lớn. Theo thống kê, hơn một nửa số ca ung thư biểu mô tuyến tụy bắt gặp ở những người trên 70 tuổi nhưng bệnh này lại hiếm khi xảy ra trước tuổi 40.

  • Yếu tố độc hại từ môi trường:

    Những người hút thuốc lá hoặc tiếp xúc nhiều với khói thuốc có nguy cơ mắc ung thư tuyến tụy cao hơn 20-30% so với người bình thường. Nguy cơ này tăng theo số lượng và thời gian hút thuốc. Bên cạnh đó, việc tiếp xúc với các chất độc hại như dung môi, xăng dầu, thuốc trừ sâu, benzidine, thuốc diệt cỏ.. cũng có khả năng cao gây ung thư tuyến tụy.

  • Yếu tố giới tính:

Ung thư tuyến tụy gặp phổ biến ở nam giới hơn nữ giới. Có thể điều này là do nam hút thuốc nhiều hơn nữ.

  • Các yếu tố khác:

Viêm tụy mãn tính, tiểu đường và thừa cân (chỉ số BMI, Body Mass Index, lớn hơn 35) cũng là những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc ung thư tuyến tụy.

Đối tượng có nguy cơ cao mắc ung thư tuyến tụy

Những đối tượng sau có nguy cơ cao mắc ung thư tuyến tụy:

  • Những người hút thuốc lá.

  • Người cao tuổi.

  • Người có tiền sử gia đình mắc ung thư tuyến tụy.

  • Bệnh nhân mắc tiểu đường hoặc viêm tụy mãn tính.

  • Người thường xuyên làm việc trong môi trường tiếp xúc với các hoá chất độc hại như xăng dầu, thuốc trừ sâu, benzimidine...

  • Những người ít vận động, thừa cân, béo phì.

9 triệu chứng cảnh báo ung thư tuyến tụy

Dấu hiệu và triệu chứng ung thư tụy thường không xuất hiện cho đến khi bệnh đã tiến triển. Phần lớn ung thư hình thành ở đầu tụy. Khi khối u còn nhỏ, nó thường không gây triệu chứng gì nhưng khi lớn dần lên, nó có khuynh hướng gây tắc nghẽn ống mật và làm xuất hiện một số triệu chứng điển hình. Dưới đây là 9 dấu hiệu cảnh báo ung thư tuyến tụy:

  • Vàng da và các triệu chứng liên quan

   Đây là dấu hiệu phổ biến và xuất hiện đầu tiên của ung thư tuyến tụy. Nguyên nhân dẫn đến hiện tượng vàng da và mắt là sự tích tụ của bilirubin, một chất màu vàng sẫm trong mật được tạo ra ở gan. Cơ chế hoạt động của cơ thể là mật theo ống mật đi xuống ruột, phân hủy chất béo tại đây, sau đó rời khỏi cơ thể bằng phân. Vì vậy, khi ống mật bị tắc nghẽn bởi các khối u, bilirubin không thể thoát ra ngoài và tích tụ trong cơ thể.

 

biểu hiện ung thư tụy là vàng da

Vàng da, vàng mắt có thể là một dấu hiệu cảnh báo mắc ung thư tuyến tụy

  • Nước tiểu sẫm màu:

   Dấu hiệu này có thể xuất hiện trước khi có thể nhìn thấy trên da. Khi nồng độ bilirubin trong máu tăng lên, nước tiểu sẽ chuyển sang màu nâu.

  • Phân màu nhạt hoặc có dầu mỡ:

     Thông thường, bilirubin là chất giúp phân có màu nâu nhưng khi chúng bị tắc lại ở ống mật, phân có thể chuyển sang màu sáng hơn hoặc xám, bạc màu. Ngoài ra, khi các enzym mật và tuyến tụy không thể đi vào ruột để phân hủy chất béo, phân sẽ có hiện tượng váng dầu.

Ngứa:

   Tích tụ bilirubin cũng là nguyên nhân của việc gây ngứa. Tuy nhiên, ung thư tuyến tụy không phải là nguyên nhân phổ biến nhất của hiện tượng vàng da, nó cũng có thể là dấu hiệu của sỏi mật, viêm gan, các bệnh về gan và ống mật khác.

  • Đau bụng và lưng

   Đau bụng và lưng cũng là triệu chứng phổ biến của ung thư tuyến tụy. Khi ung thư bắt đầu phát triển lớn hơn trong tuyến tụy, các khối u sẽ bắt đầu chèn lên các bộ phận gần tuyến tụy hoặc lan đến các dây thần kinh xung quanh gây nên tình trạng đau bụng, lưng. 

  • Giảm cân đột ngột, kén ăn

    Giảm cân đột ngột khi người bệnh không thực hiện chế độ ăn kiêng hay luyện tập (giảm trên 4,5 kg trong vòng 1 tháng) là dấu hiệu của nhiều căn bệnh ung thư, trong đó có ung thư tuyến tụy.

   Ngoài hiện tượng giảm cân không rõ lý do, những người mắc ung thư tuyến tụy còn gặp phải triệu chứng không thèm ăn hoặc ăn ít, không ngon miệng.

 giảm cân đột ngột, kén ăn là dấu hiệu ung thư tụy

Đau bụng, giảm cân đột ngột, kén ăn có thể là dấu hiệu của ung thư tuyến tụy

 

  • Nôn mửa

  Khi ung thư tuyến tụy phát triển đè tới dạ dày làm cho thức ăn không di chuyển và tiêu hóa được sẽ gây ra hiện tượng buồn nôn, nôn, đau đớn và trở nên tồi tệ hơn theo thời gian.

  • Phình túi mật và gan

    Nếu khối ung thư chặn túi mật, mật sẽ bị tích tụ lại khiến cho túi mật phình lớn. Dấu hiệu này có thể được các bác sĩ phát hiện khi kiểm tra thể chất bằng cách cảm nhận vùng bụng phải dưới lồng ngực hoặc các phương pháp chẩn đoán hình ảnh. Triệu chứng to gan xuất hiện khi ung thư đã di căn tới bộ phận này. Cách phát hiện tương tự kiểm tra túi mật.

  • Xuất hiện các cục máu đông

    Trong một số trường hợp, manh mối đầu tiên để phát hiện ung thư tuyến tụy là các cục máu đông trong tĩnh mạch lớn, còn gọi là huyết khối tĩnh mạch sâu, vị trí thường xuất hiện ở chân. Hiện tượng này gây ra các triệu chứng đau, sưng, đỏ và nóng chân.

    Đôi khi, một mảnh của cục máu đông vỡ ra có thể chạy tới phổi, dẫn đến tình trạng khó thở, đau ngực, gọi là thuyên tắc phổi, có thể nguy hiểm tới tính mạng.

  • Tiểu đường

    Ung thư tuyến tụy có thể gây bệnh tiểu đường với các triệu chứng luôn cảm thấy khát, đói, đi tiểu thường xuyên bởi căn bệnh phá hủy các tế bào sản sinh insulin. Tuy nhiên, đây là triệu chứng hiếm gặp của ung thư tuyến tụy, trong một vài trường hợp, căn bệnh này chỉ làm thay đổi lượng đường trong máu, không tạo thành bệnh tiểu đường và có thể phát hiện thông qua xét nghiệm máu.
    Ung thư tuyến tụy là một dạng ung thư thực sự nguy hiểm. Chính vì thế nếu bạn thấy mình có nhiều hơn một trong số những dấu hiệu đã nêu thì đừng ngại đi khám bác sĩ vì những hành động kịp thời có thể cứu sống bạn.

Chẩn đoán ung thư tuyến tụy như thế nào?

Để chẩn đoán ung thư tuyến tụy, tùy vào tình trạng bệnh của bệnh nhân và trang thiết bị của cơ sở y tế mà bệnh nhân sẽ được chỉ định một số xét nghiệm sau:

  • Chẩn đoán hình ảnh như siêu âm, chụp cắt lớp vi tính (CT scan), chụp cộng hưởng từ (MRI) giúp bác sĩ nhìn thấy các cơ quan bên trong ổ bụng.

  • Siêu âm qua nội soi (EUS). Thiết bị siêu âm đặt trên một ống soi mềm được đưa qua thực quản vào dạ dày để thăm dò phần tụy tiếp giáp. Đồng thời bác sĩ có thể lấy mẫu tế bào (sinh thiết) trong quá trình thực hiện siêu âm qua nội soi.

  • Nội soi mật tụy ngược dòng (ERCP). Ống soi được đưa qua miệng xuống thực quản vào dạ dày đến đoạn ruột đầu tiên là tá tràng. Một catheter (ống thông) nhỏ được đưa qua ống soi và thông vào nhú tá tràng. Thuốc cản quang được tiêm vào ống mật và ống tụy qua catheter. Sau đó tia X được chiếu qua để hiện hình ống mật và tụy trên màn hình. Trong quá trình thực hiện ERCP, bác sĩ có thể tiến hành làm sinh thiết để lấy mẫu mô hay tế bào.

  • Sinh thiết. Sinh thiết là thủ thuật lấy một mẫu mô tụy và khảo sát dưới kính hiển vi. Mẫu sinh thiết có thể lấy bằng cách chọc kim qua da vào tụy (chọc hút bằng kim nhỏ) hay có thể thực hiện dưới hướng dẫn của siêu âm. Tuy nhiên thủ thuật sinh thiết tụy qua da hiện nay hiếm khi được thực hiện.

  • Xét nghiệm chất chỉ thị ung thư (tumor marker). Chất chỉ thị ung thư là những chất (thường là protein) đặc biệt được tạo ra bởi tế bào ung thư. Đối với ung thư tụy, chất chỉ thị ung thư được sử dụng là CA 19.9. Xét nghiệm nồng độ CA 19.9 trong máu có thể hỗ trợ các xét nghiệm khác trong chẩn đoán cũng như theo dõi và tiên lượng bệnh. Tuy nhiên CA 19.9 không phải là chất chỉ thị chuyên biệt cho ung thư tụy mà nhiều loại ung thư và tình trạng bệnh khác, thậm chí một số bệnh lành tính, cũng có thể làm tăng CA 19.9.

  • Các xét nghiệm khác nhằm đánh giá tình trạng sức khoẻ chung của bệnh nhân như xét nghiệm chức năng gan, thận, tim, phổi… cũng có thể được chỉ định để phục vụ cho điều trị.

Các biện pháp điều trị bệnh ung thư tuyến tụy

Ung thư tuyến tụy được chia thành các giai đoạn chính như sau:

  • Giai đoạn 1: Khối u chỉ xuất hiện trong tuyến tụy, kích thước nhỏ dưới 2cm. Giai đoạn này bệnh nhân gần như không có bất kỳ triệu chứng nào nên rất khó phát hiện.

  • Giai đoạn 2: Khối u phát triển lớn hơn 2cm, xâm lấn sang các mô lân cận nhưng chưa tác động đến các mạch máu. Tế bào ung thư có thể hiện diện ở các hạch bạch huyết xung quanh.

  • Giai đoạn 3: Ung thư tuyến tụy di căn tới nhiều hạch bạch huyết cũng như các cơ quan lân cận. Tế bào ung thư xâm lấn vào các mạch máu chính.

  • Giai đoạn 4: Khối u có thể có bất kỳ kích thước nào, xâm lấn đến những cơ quan khác xa hơn như gan, phổi, màng bụng,..

Vậy ung thư tuyến tụy có chữa được không?

Câu trả lời là có. Việc chữa khỏi và kéo dài sự sống cho bệnh nhân mắc ung thư tuyến tụy phụ thuộc lớn vào sức khoẻ và giai đoạn của bệnh. Việc phát hiện ung thư sớm sẽ giúp điều trị có kết quả tốt hơn.

Tuỳ thuộc vào tình trạng bệnh nhân và giai đoạn ung thư, bác sĩ có thể chỉ định các phương pháp điều trị sau:

  • Phẫu thuật: tùy thuộc vào vị trí khối u mà bác sĩ có thể sử dụng một trong các thủ thuật sau:

  1. Phẫu thuật Whipple: Cắt bỏ đầu tụy, hang vị, đoạn cuối ống mật chủ, các hạch lân cận.
  2. Cắt bỏ toàn bộ tụy.

  3. Cắt thân và đuôi tuỵ.  

  • Xạ trị: Phương pháp này thường được sử dụng trong trường hợp không thể phẫu thuật hoặc ung thư đã di căn bên ngoài tuyến tụy, hoặc được kết hợp với hoá chất để điều trị cho bệnh nhân sau mổ. Hiện nay, Vinmec đã và đang áp dụng kĩ thuật xạ trị tiên tiến nhất SBRT để chữa trị cho bệnh nhân ung thư.

  • Hoá trị: Phương pháp này dùng để hỗ trợ xạ trị hoặc áp dụng nếu phẫu thuật và xạ trị không còn phù hợp. Hoá trị giúp bệnh nhân kéo dài sự sống, giảm đau đớn và các triệu chứng khó chịu ở giai đoạn cuối.

Làm sao để phòng ngừa ung thư tuyến tụy

Ung thư tuyến tụy cũng rất khó phát hiện ở giai đoạn đầu. Các xét nghiệm sàng lọc được thiết kế để phát hiện nó trong các giai đoạn không có triệu chứng rất phức tạp và rất tốn kém. Vì vậy, khi ung thư tuyến tụy được phát hiện, thường là đã quá muộn.

Hiện nay vẫn chưa có một nguyên tắc tiêu chuẩn nào nhằm phòng tránh ung thư tuyến tụy. Tuy nhiên, dựa vào các yếu tố nguy cơ gây bệnh, các chuyên gia khuyến cáo nên áp dụng một số phương pháp sau để giảm thiểu tối đa nguy cơ mắc bệnh:

  • Không hút thuốc lá cũng như tránh tiếp xúc với môi trường khói thuốc.

  • Duy trì cân nặng hợp lý, tránh để bị thừa cân hoặc béo phì.

  • Có chế độ ăn uống lành mạnh, ăn nhiều các loại rau củ quả, hạn chế thức ăn nhiều dầu mỡ.

  • Tập thể dục thường xuyên, cố gắng có những hoạt động thể chất ít nhất 30 phút mỗi ngày.

Ung thư tụy mặc dù được xếp hạng thứ 8-9 về mặt phổ biến nhưng lại được gọi là căn bệnh tử thần, do rất nguy hiểm với tỷ lệ tử vong cao. Chính vì vậy, mỗi người cần nắm rõ các triệu chứng ung thư tuyến tụy để có thể phát hiện và điều trị bệnh kịp thời.

 

XEM THÊM:

Đặt câu hỏi cho chuyên gia

Hỗ trợ 24/7
  • Dược sĩ tư vấn

    0984.464.844 - 0243.734.2904 - 1800.1044

    Email: botania.vn@gmail.com

Zalo: 0984.464.844

Hỗ trợ 24/7
  • Dược sĩ tư vấn

    0984.464.844 - 0243.734.2904 - 1800.1044

    Email: botania.vn@gmail.com

Zalo: 0984.464.844